Cách phòng bệnh tôm phát sáng hiệu quả

Khi quan sát ao nuôi tôm vào ban đêm, nhiều trường hợp bà con sẽ thấy ao nuôi tôm của mình phát sáng (nước phát sáng và cả tôm phát sáng), thường gặp nhất là những đêm mùa hè, khi ao có độ mặn và nhiệt độ tăng cao. Nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu? Nó có nguy hiểm gì đến tôm hay không? Và làm thế nào để phòng ngừa bệnh tôm phát sáng trong quá trình nuôi?

2 nguyên nhân tôm phát sáng thường thấy

Ao nuôi tôm phát sáng trong quá trình nuôi nguyên nhân thường là do tảo roi hoặc vi khuẩn.

Tảo roi gây nên bệnh tôm phát sáng:

Những loại tảo roi độc như Peridinium, Ceratium hay Gymnodinium khi xuất hiện trong ao nuôi, chúng sẽ cạnh tranh oxy hòa tan trong nước trực tiếp với tôm, tiết ra chất độc làm ức chế tôm phát triển đồng đều và gây nên tình trạng ao nuôi tôm phát sáng.

Dấu hiệu ao nuôi tôm bị nhiễm tảo roi: Vào ban đêm bà con sẽ thấy nước trong ao bị chớp tắt liên tục trên tầng nước mặt. Khi vớt tôm kiểm tra sẽ thấy có nhiều rêu bám dính tại mang/vỏ tôm.

Vi khuẩn gây nên bệnh tôm phát sáng:

Loài vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio khiến cho ao nuôi tôm phát sáng là Vibrio harveyi. Chúng thường xuất hiện trong những ao nuôi tôm có độ mặn cao (trên 15‰), thường phát triển mạnh hơn khi nhiệt độ nước tăng, trong ao bị thiếu oxy hòa tan (< 4 mg/l) và nhiều chất hữu cơ.

Khi xuất hiện trong ao nuôi tôm, Vibrio harveyi dễ dàng xâm nhập vào đường ruột, tiết ra độc tố làm sưng gan hoặc khiến gan tôm bị teo lại. Không những thế, vi khuẩn Vibrio harveyi còn có khả năng ký sinh trong cơ thể tôm và tiết ra enzyme luciferase – loại enzyme có khả năng phát quang và gây nên tình trạng tôm phát sáng.

01 phong benh tom phat sang
Tôm nhiễm vi khuẩn phát sáng

Dấu hiệu nhận biết tôm bị nhiễm vi khuẩn Vibrio harveyi: Quan sát vào ban đêm thấy tôm phát sáng, kèm với đó là tôm bơi lờ đờ, kém linh hoạt và giảm bắt mồi. Khi bị nặng tôm có thể giảm ăn/bỏ ăn và xuất hiện tình trạng hoại tử gan tụy cấp tính.

Tôm bị ảnh hưởng như thế nào khi nhiễm tảo roi và vi khuẩn phát sáng?

Khi tôm nhiễm tảo roi và vi khuẩn phát sáng, tuy chúng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ lệ sống của tôm nhưng lại làm cho tôm gặp phải một số tình trạng như:

  • Nhiễm bệnh phát sáng khiến tôm bị stress, làm giảm đáng kể khả năng bắt mồi.
  • Tôm phát triển không cân đối, không đều size giữa các con trong đàn tôm.
  • Nếu tình trạng nhiễm nặng mà không được xử lý, tôm sẽ bỏ ăn và dần dần xuất hiện tình trạng chết rải rác trong ao nuôi.

Cách phòng bệnh tôm phát sáng hiệu quả

Phòng bệnh tôm phát sáng là cách hiệu quả để nuôi đàn tôm khỏe, phát triển đồng đều. Bà con có thể tham khảo một số cách được Biogency chia sẻ dưới đây:

  • Cải tạo ao nuôi kỹ để loại bỏ các nguyên nhân khiến ao tôm phát sáng: Trước mỗi vụ nuôi mới bà con cần cải tạo thật kỹ ao nuôi, đặc biệt là khi vụ nuôi trước ao nuôi tôm có xảy ra tình trạng phát sáng. Bà con cần vét thật sạch lớp bùn ở đáy ao, rải vôi bột với liều lượng từ 10 – 12kg/100 mét vuông, phơi ao để khoáng hóa nền đáy, tiêu diệt hết các mầm bệnh. Trong quá trình cải tạo, bà con nên san phẳng đáy để tạo hình lòng chảo ở giữa nhằm gom tụ chất thải thuận lợi hơn. Thời gian phơi ao là khoảng từ 5-7 ngày trong điều kiện trời nắng.
  • Chọn giống tôm không nhiễm vi khuẩn phát sáng: Khi chọn con giống tại bể ương/trại giống, bà con cần kiểm tra bệnh tôm phát sáng trong môi trường tối để chắc chắn tôm không bị nhiễm mầm bệnh này. Bên cạnh đó, bà con cần lựa chọn con giống có chất lượng cao tại đơn vị cung cấp giống uy tín, tôm có kích thước đồng đều, không bị bệnh tật. (Tham khảo cách chọn tôm giống tốt)
  • Thả tôm nuôi với mật độ vừa phải: Điều này sẽ giúp tôm có đủ không gian cho việc bắt mồi và sinh trưởng, cũng đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên và oxy hòa tan không bị tranh giành. (Tham khảo: Mật độ thả tôm)
  • Kiểm soát nhiệt độ của nước: Đặc biệt là vào mùa hè, nhiệt độ của nước ao dễ tăng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Vibrio harveyi phát triển. Bà con cần kiểm soát môi trường nước để tránh nhiệt độ tăng bằng cách duy trì mực nước trong ao đạt từ 1,2-1,5 mét; độ đục từ 30-40 cm. Kèm với đó là quản lý tảo, sử dụng các chế phẩm sinh học để làm sạch nước và ổn định tảo trong ao nuôi, duy trì các loại tảo có lợi để giữ ao luôn có màu tràm trà suốt vụ.
02 phong benh tom phat sang
Men vi sinh làm sạch nước và ổn định tảo ao nuôi tôm Microbe-Lift Aqua C
  • Đảm bảo oxy hòa tan trong ao > 5mg/l: Vi khuẩn gây bệnh phát sáng không phát triển mạnh khi nồng độ oxy hòa tan trong nước cao. Do đó, để phòng tránh các loại vi khuẩn này gia tăng mật độ trong ao nuôi, bà con cần tính toán và lắp đặt quạt khí, sục khí sao cho phù hợp để mọi vị trí trong ao đều có đủ oxy > 5mg/l.

Trên đây là những chia sẻ của Biogency về nguyên nhân cũng như cách phòng bệnh tôm phát sáng. Hy vọng bà con sẽ có được những thông tin hữu ích để áp dụng vào ao nuôi tôm của mình. Nếu có bất kỳ khó khăn nào trong quá trình nuôi tôm cần giải đáp, bà con hãy liên hệ ngay đến Biogency qua Hotline 0909 538 514, chúng tôi sẽ hỗ trợ nhanh nhất! Chúc bà con nuôi tôm thành công!



source https://microbelift.vn/phong-benh-tom-phat-sang/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cơ sở hình thành và cách tính tỷ số F/M

Quy trình xử lý nước cấp đạt chuẩn hiện nay

Bể lắng sinh học là gì? Vai trò, cách tăng hiệu suất xử lý của bể