Tôm bị đốm nâu nguyên nhân và cách điều trị

Rất nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng gặp phải tôm bị đốm nâu hoặc đốm đen. Tỉ lệ chết khi tôm mắc phải bệnh này có thể lên tới 80 – 90%. Với một loại bệnh nguy hiểm như vậy, bà con tuyệt đối không được chủ quan lơ là. Hãy trang bị đủ kiến thức về bệnh đốm nâu trên tôm, dấu hiệu cũng như cách điều trị bệnh đốm nâu từ những thông tin trong bài viết dưới đây, nhằm nắm được kỹ thuật cần thiết bảo vệ tôm nuôi khỏi căn bệnh nguy hiểm và đảm bảo cho mình một vụ mùa thành công, bội thu.

Nguyên nhân tôm bị đốm nâu

Theo nghiên cứu, nguyên nhân gây ra bệnh đốm nâu (đốm đen) ở tôm có thể là do các giống vi khuẩn có trong nguồn nước ao nuôi như Vibrio, Pseudomonas và Aeromonas. Những loại vi khuẩn này có khả năng tiết ra một loại chất men ăn mòn lớp vỏ chitin của tôm.

Tham khảo: Các bệnh ở tôm do vi khuẩn

Dấu hiệu lâm sàng và diễn biến của bệnh đốm nâu

tôm bị đốm nâu

Dấu hiệu lâm sàng của bệnh đốm nâu trên tôm

Bệnh đốm nâu được ghi nhận xảy ra ở các độ mặn khác nhau từ 5‰ cho đến 20 – 25‰. Thời gian xảy ra bệnh từ giai đoạn tôm 20 ngày tuổi cho đến 90 ngày tuổi, thông thường tập trung nhiều nhất ở giai đoạn 25 – 45 ngày tuổi. Tôm có tỷ lệ mắc bệnh đốm nâu cao hẳn vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi liên tục và thất thường diễn ra kéo dài trong 5 – 10 ngày, hoặc đối với nhiệt độ nước trên 29 độ C trong thời gian dài. Dù là vậy thì nhìn chung tôm vẫn có thể mắc bệnh đốm nâu này trong suốt năm bất kể ở tình trạng thời tiết nào.

Khi kiểm tra tình trạng nước ao nuôi của những ao có tôm bị bệnh đốm nâu, hầu hết người ta phát hiện hàm lượng khí độc NH3 hoặc NO2 cao vượt ngưỡng cho phép, độ kiềm dưới 100 ppm kéo dài và hàm lượng oxy trong nước không đạt ngưỡng tối ưu 6 ppm phần lớn thời gian nuôi.

Nếu không có bất kỳ sự can thiệp điều trị nào được áp dụng, trong vòng 15 – 30 ngày kể từ khi phát bệnh tỉ lệ chết của tôm có thể lên tới 95%. Vì vậy bà con cần nhận biết ngay những dấu hiệu lâm sàng của bệnh đốm nâu dưới đây để tìm phương pháp ngăn chặn bệnh kịp thời:

  • Tôm lờ đờ, giảm hoặc bỏ ăn
  • Tốc độ tăng trưởng chậm chạp
  • Dấu hiệu dễ thấy nhất chính là trên thân tôm xuất hiện nhiều đốm hoặc mảng màu nâu đen, mang tôm có màu tối hoặc đen
  • Đuôi mỏng đi, có thể xuất hiện những tổn thương phụ bộ như mòn đuôi và vảy râu, cụt râu,…
  • Khi bệnh trở nặng tôm sẽ có dấu hiệu ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt đi, bề mặt thân bị đốm nâu có thể có mùi hôi

Diễn biến bệnh đốm nâu

Benh dom nau 3

Ở giai đoạn đầu khi tôm mắc bệnh đốm nâu, bà con có thể dễ dàng nhận thấy đàn tôm của mình bắt đầu có dấu hiệu tổn thương các phụ bộ như mòn đuôi, cụt râu, tuy nhiên tình hình chung là tôm vẫn ăn uống bình thường, quan sát đường ruột thấy vẫn có nhiều thức ăn. Khi tôm bị nhiễm khuẩn nặng, râu và đuôi tôm sẽ chuyển sang màu đỏ, đuôi có thể bị phồng nhẹ nhưng vẫn chưa có các dấu hiệu rõ ràng hoàn toàn.

Ở giai đoạn kế tiếp, quan sát trên vỏ tôm sẽ thấy sự xuất hiện của các đốm nâu (hoặc đen) nằm rải rác. Các đốm này có thể xuất hiện trên giáp, đầu ngực và toàn thân tôm. Ở một số trường hợp chỉ thấy vài vết nâu đen chính giữa lưng, đầu hoặc đuôi tôm nên bà con có thể hiểu nhầm rằng đàn tôm tự gây thương tích cho nhau do mật độ tôm trong ao cao. Nhưng thực chất đây là giai đoạn tôm đã phát bệnh rõ như: bắt đầu giảm hoặc bỏ ăn, tốc độ tăng trưởng chậm đi và chết rải rác. Bà con có thể thấy tôm gặp một số tình trạng khác như trắng lưng, đục thân và lột xác không hoàn toàn (dính vỏ hoặc dính chân).

Trong giai đoạn nặng bà con có thể thấy trong đàn tôm có tới 70% số tôm bị đốm nâu, tỉ lệ chết tăng cao rõ rệt. Quan sát thấy tôm cập mé, gan tụy tôm nhợt nhạt, ruột rỗng.

Tốc độ lây lan bệnh đốm nâu trong đàn

Tốc độ lây lan và phát triển của bệnh đốm nâu trong đàn tôm tùy thuộc vào sức khỏe của tôm và điều kiện môi trường nước. Các nghiên cứu, thống kê cho thấy bệnh đốm nâu, đốm đen sẽ lây lan nhanh và mạnh ở những môi trường nuôi ô nhiễm nặng, có hàm lượng NO2, NH3 và H2S cao, hàm lượng oxy thấp, không có công tác chuẩn bị ao như tẩy trùng, diệt khuẩn hay ứng dụng quy trình vi sinh định kỳ trong ao.

Cách phòng và điều trị tôm bị đốm nâu

Phòng bệnh đốm nâu

Hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra công bố chính thức về nguyên nhân chính xác gây bệnh, tuy nhiên theo như quan sát các dấu hiệu lâm sàng, khả năng lan truyền bệnh, kiểm tra vi khuẩn gây bệnh trong môi trường nước lẫn trên tôm bệnh thì kết luận ban đầu đưa ra là bệnh đốm nâu do vi khuẩn gây ra, gần như giống với các mô tả về bệnh NHP (bệnh hoại tử gan tụy ở tôm). Về nguyên tắc, phần lớn các bệnh do vi khuẩn gây ra và có tốc độ lan nhanh trong bầy đàn có thể nhiễm từ tôm bố mẹ, tôm giống hoặc từ môi trường. Vì vậy, việc phòng bệnh đốm nâu trên tôm phải tuân theo hướng chú trọng đến các biện pháp cải tạo, duy trì chất lượng môi trường ao nuôi, cụ thể bà con có thể tham khảo:

  • Thường xuyên theo dõi tình trạng vệ sinh ao, đầm nuôi tôm và các yếu tố liên quan tới chất lượng nước.
  • Kiểm tra kỹ chất lượng tôm giống bằng kỹ thuật PCR với tất cả các bệnh thường gặp ở tôm như EMS, IHHNV, IMNV, đốm trắng và cả NHP.
  • Mật độ thả phải phù hợp với khả năng quản lý của người nuôi, trình độ kỹ thuật và mức độ am hiểu của người nuôi về giống tôm của mình, phù hợp với thiết kế cơ sở hạ tầng như diện tích ao nuôi, hệ thống quạt nước cấp oxy, độ sâu mực nước ao.
  • Kiểm tra thường xuyên hàm lượng oxy trong ao để nhanh chóng có biện pháp khắc phục tình trạng thiếu oxy cục bộ, vì một khi tình trạng này kéo dài có thể gây stress cho tôm, khiến tôm bị giảm sức đề kháng và dễ nhiễm bệnh hơn.
  • Sử dụng thường xuyên và định kỳ men vi sinh, ít nhất trong 60 ngày đầu thả nuôi.
  • Liên tục kiểm tra mật số vi khuẩn gây bệnh định kỳ từ 5 – 7 ngày/ lần để có biện pháp can thiệp đúng lúc khi phát hiện mật số vi khuẩn tăng cao hơn 103 CFU/ml.
  • Bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất, các chất tăng cường khả năng diệt khuẩn và hoạt chất tăng cường hệ miễn dịch cho tôm. Nên bổ sung ngay sau khi thả tôm hoặc trong ít nhất 45 ngày đầu. (Tham khảo cách bổ sung vitamin C cho tôm)
  • Điều chỉnh, cân đối lượng thức ăn phù hợp, tránh trường hợp thừa nhiều thức ăn trong ao sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  • Sau 15 ngày thả tôm, nên đặt vó để có thể theo dõi tôm nuôi nhằm phát hiện bệnh sớm nhất.

Trên đây là những cách mà bà con có thể áp dụng để phòng ngừa bệnh đốm nâu cũng như rất nhiều bệnh khác trên tôm. Nhưng nếu tôm đã mắc và phát bệnh thì bà con cần áp dụng ngay những phương thức điều trị dưới đây để cải thiện tình trạng trên tôm nuôi.

Điều trị tôm bị đốm nâu

Các biện pháp chữa trị được áp dụng như thế nào và hiệu quả cao hay thấp sẽ còn tùy thuộc vào mức độ của bệnh, sức khỏe của tôm và thời gian phát hiện bệnh. Cách điều trị bệnh đốm nâu chung khi phát hiện tôm có dấu hiệu bị bệnh như sau:

Đối với ao nuôi:

  • Diệt khuẩn ao nuôi bằng sản phẩm phù hợp theo từng độ tuổi của tôm. Có thể lặp lại 2 – 3 lần tùy theo tỉ lệ nhiễm bệnh trong ao.
  • Sau 36 giờ diệt khuẩn, tiến hành cấy vi sinh lại với hàm lượng cao (có thể bổ sung mật rỉ đường để điều chỉnh độ pH cũng như giảm bớt hàm lượng khí độc).
  • Tăng cường sục khí trong ao nuôi.
Tăng cường sục khí ao nuôi là một trong những phương pháp cơ bản điều trị bệnh đốm nâu
Tăng cường sục khí ao nuôi là một trong những phương pháp cơ bản điều trị bệnh đốm nâu

Đối với tôm bệnh:

  • Giảm cho ăn từ 10 – 30% so với lượng thức ăn thường ngày.
  • Bổ sung khoáng chất, vitamin C lẫn vitamin tổng hợp, các men vi sinh có lợi và những hoạt chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho tôm nuôi.

Với tỉ lệ nhiễm bệnh dưới 40% trong bầy, môi trường nước không bị ô nhiễm nghiêm trọng và sức khỏe bầy tôm nuôi của bà con tốt, ứng dụng phác đồ điều trị trên hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng bệnh đốm nâu, giúp bà con vượt qua giai đoạn dịch bệnh để hướng tới một vụ mùa thành công và ổn định.

Biogency có lời khuyến cáo bà con không nên sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị bệnh đốm nâu hay thậm chí là các bệnh khác. Sử dụng không đúng cách nó không chỉ gây lờn thuốc, tái nhiễm với cường độ mạnh hơn mà còn có thể khiến tôm nhiễm các bệnh khác, các biến thể với chủng vi khuẩn gây bệnh khác.

Biogency đã cùng bà con tìm hiểu xong những thông tin về bệnh đốm nâu trên tôm thẻ chân trắng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các bà con đang chăn nuôi tôm trang bị nguồn kiến thức quan trọng và hoàn chỉnh về một trong những căn bệnh rất thường gặp trên tôm nuôi. Mọi thông tin cần tư vấn, hỗ trợ bà con vui lòng liên hệ với Biogency qua Hotline  0909 538 514. Chúc bà con có một vụ mùa thật là bội thu!



source https://microbelift.vn/tom-bi-dom-nau/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cơ sở hình thành và cách tính tỷ số F/M

Quy trình xử lý nước cấp đạt chuẩn hiện nay

Bể lắng sinh học là gì? Vai trò, cách tăng hiệu suất xử lý của bể