Hướng dẫn phương pháp xi phông đáy ao

Rất nhiều bài viết trước của Biogency đã đề cập tới phương pháp xi phông đáy ao, đây là một công tác quan trọng giúp cải thiện chất lượng môi trường nước. Với những người nuôi tôm lâu năm, giàu kinh nghiệm thì khái niệm này đã không còn xa lạ. Tuy nhiên bà con mới bước chân vào lĩnh vực nuôi tôm chắc chắn còn nhiều bỡ ngỡ. Vậy thì đừng bỏ qua bài viết này vì Biogency sẽ hướng dẫn bà con cách xi phông đáy ao thật cặn kẽ, đảm bảo môi trường ao nuôi luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Xi phông đáy ao là gì?

Xi phông có khá nhiều tên gọi và cách viết na ná nhau tùy theo bà con sử dụng, ví dụ như xiphong, xifong, hay tên tiếng Anh là Siphon.

Từ xi phông dùng để chỉ các thiết bị lưu thông chất lỏng, thường được làm từ sắt, thép, nhựa, inox hoặc cũng có thể là kính. 

Trong nuôi trồng thủy sản, xi phông là hành động làm sạch đáy ao nuôi bằng cách hút các chất thải, thức ăn thừa, vỏ tôm,… ra khỏi ao. Tần suất xi phông khuyến nghị là khoảng 2 – 3 lần/ngày để đảm bảo môi trường ao nuôi thuận lợi, tăng hiệu quả nuôi trồng cho các hộ nuôi tôm, nhất là những hộ nuôi công nghệ cao.

xi phong day ao 1
Hố xi phông.

Hiện nay, xi phông đáy ao là biện pháp thiết yếu trong nuôi tôm nhằm cải thiện chất lượng nước ao, đặc biệt đã và đang được ứng dụng ở hầu hết các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Lợi ích của xi phông đáy ao

Phương pháp xi phông đáy ao đòi hỏi bà con phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức, đổi lại nó mang tới rất nhiều lợi ích cho ao nuôi của bà con, từ đó làm gia tăng năng suất mùa vụ.

Xử lý hiệu quả chất thải trong ao

Quá trình nuôi tôm không thể tránh khỏi việc dưới đáy ao tích tụ những chất cặn bã, tiêu biểu như:

  • Thức ăn thừa
  • Phân tôm
  • Vỏ tôm sau khi lột xác
  • Tảo
  • Xác các loài sinh vật, vi sinh vật trong ao

Các chất này tập trung dưới đáy ao lâu ngày sẽ làm sản sinh ra lượng khí độc như NO2, NH3,… vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe tôm nuôi.

Bà con thường xử lý vấn đề này bằng cách dùng hóa chất, thuốc diệt khuẩn, kháng sinh, tiên tiến hơn là đánh men vi sinh xử lý khí độc trong ao. Dùng men vi sinh tuy an toàn, cho thấy kết quả rõ rệt nhưng để đem tới hiệu quả xử lý triệt để thì cần kết hợp thêm phương pháp khác, đó chính là xi phông đáy ao.

xi phong day ao 3
Bùn đáy, khí độc ao tôm nên được xử lý triệt để bằng cách đánh vi sinh kết hợp xi phông đáy ao.

Xi phông đáy ao vừa là phương pháp hỗ trợ điều trị vừa là cách phòng ngừa dịch bệnh cho tôm. Định kỳ xi phông đáy sẽ giúp nước ao luôn sạch, không tích tụ chất thải, từ đó khí độc cũng không có nguồn phát sinh.

Giảm thiểu bệnh dịch trên tôm nuôi

Một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo ao tôm của bà con có tỉ lệ bệnh dịch thấp chính là môi trường nước nuôi sạch.

Nước ao không đảm bảo dễ gây bệnh cho tôm. Đặc biệt, với những ao nuôi mật độ dày (trung bình 150 – 300 con/m2), chỉ cần một con tôm nhiễm bệnh thì nguy cơ cả ao cùng nhiễm bệnh là rất cao, dễ xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt. 

Vì vậy, xi phông đáy ao thường xuyên là cách hiệu quả để cung cấp môi trường nước nuôi chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Tham khảo: Các bệnh thường gặp trên tôm

Thuận tiện hơn khi xử lý bùn đáy

Khi đã thiết kế hố xi phông, thao tác hút bùn đáy ao sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Bà con chỉ cần mở van, áp lực nước sẽ đẩy toàn bộ chất thải dưới đáy ao ra bể chứa chất thải, ngoài ra cũng sẽ đẩy bớt những con tôm yếu, không đảm bảo chất lượng ra ngoài. Thao tác này hoàn toàn không cần phải sử dụng mô-tơ bơm ly tâm để hút chất thải.

Tiết kiệm chi phí lâu dài

Hệ thống xi phông có thể đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá cao, tuy nhiên đây là phương pháp mang giá trị sử dụng lâu dài. Nó giúp cho công tác hút bùn đáy nhanh gọn, tiện lợi hơn, giảm bớt chi phí sử dụng thuốc men, hóa chất trong suốt vụ nuôi nhờ giảm nguy cơ dịch bệnh trong ao tôm.

Trong bài toán kinh tế nói chung, xi phông đáy ao là giải pháp tiết kiệm chi phí tính theo đường dài.

Cách xi phông đáy ao

Mỗi cách xi phông đáy ao có nguyên lý hoạt động riêng. Dưới đây là 3 cách xi phông đáy ao phổ biến, hiệu quả nhất mà bà con có thể tham khảo áp dụng:

Xi phông bằng máy bơm tự động

xi phong day ao 4
Lắp đặt hệ thống xi phông bằng máy bơm tự động.

Phương pháp này được nhiều ao nuôi tôm sử dụng nhờ sở hữu rất nhiều ưu điểm:

  • Dùng được cho nhiều loại ao, đặc biệt là ao có diện tích lớn (> 2.500m2).
  • Phù hợp với ao không xây hố xi phông.
  • Có thể dùng cho những ao có đáy lồi lõm, không bằng phẳng.
  • Khi bơm ly tâm hoạt động, máy có thể hút hết bùn, chất thải mà vẫn tránh hút phải tôm.

Bà con tiến hành lắp đặt như sau:

  • Chuẩn bị 2 đường ống nước bằng nhựa được lắp với nhau theo hình chữ T.
    • Chiều dài ống: 1 – 1,2m
    • Đường kính ống: 10 – 20cm
  • Đục những lỗ nhỏ ở đầu chữ T sao cho kích thước lỗ bằng kích cỡ của tôm trong ao.
  • Phần cuối của chữ T sẽ được đấu vào đầu hút nước của bơm ly tâm.
  • Nối bơm ly tâm với trục nối dài của mô-tơ hoặc động cơ.
  • Khi hoạt động, bùn và chất thải sẽ được hút theo đầu chữ T thoát ra ngoài theo ống nước của máy bơm. 

Xi phông bằng máy đặt trên bờ

Phương pháp sử dụng máy xi phông đặt trên bờ này chỉ áp dụng cho một số ao nuôi nhất định như:

  • Ao có hố gom chất thải.
  • Ao đất lót bạt đáy.
  • Ao lót bạt hố xi phông.

Nguyên lý hoạt động của phương pháp này cũng tương tự như máy bơm ly tâm của cách trên.

Cách lắp đặt máy như sau:

  • Đào một hố sâu khoảng 80cm rồi lấy bạt trải hết đáy và thành hố trước khi tiến hành cấp nước.
  • Dùng thanh tre cố định phần mép bạt rồi chôn sâu khoảng 20cm. Làm như vậy sẽ giúp tiết kiệm chi phí trải bạt mà vẫn mang tới hiệu quả tương đương hố xi phông ao bạt.
  • Đặt một mô-tơ khoảng 2 – 3 HP trên bờ ao, sau đó lắp một ống PVC có đường kính 60cm nối từ mô-tơ đến giữa ao.
  • Dùng tầm vông để đỡ ống PVC này nổi trên mặt nước khoảng 20 – 30cm.
  • Gắn phần đầu hút xi phông vào ống gắn mềm. Dùng ống vải để nối từ phần mô tơ đến ao chứa thải, như vậy sẽ dễ cuộn chất thải và có thể sử dụng cho nhiều ao khác.

Để tiến hành xi phông, bà con có thể dùng thuyền/bè hoặc phao để di chuyển đầu xi phông tới vị trí chứa nhiều chất thải, bùn đất. Nếu bà con thường xuyên tiến hành xi phông thì có thể lội xuống đứng dưới ao, làm vậy có thể dễ dàng kiểm tra độ sạch của đáy ao.

Một số lưu ý khi áp dụng phương pháp này:

  • Nên xi phông đáy ao khi tôm đạt kích cỡ từ 2g trở lên.
  • Tiến hành xi phông vào buổi sáng, 30 – 60 phút cho mỗi hố.
  • Lượng nước hao hụt ở mỗi ao chiếm khoảng 2% lượng nước được cấp lại.

Xi phông bằng van tự động

Trong số 3 phương pháp xi phông mà Biogency đề cập, đây là phương pháp hiện đang được ưa chuộng rộng rãi nhất nhờ sở hữu nhiều ưu điểm hơn hẳn 2 cách trên.

  • Không cần sử dụng động cơ bơm ly tâm.
  • Hệ thống được đặt ngầm dưới ao, không cần thao tác nhiều, cách hoạt động đơn giản.
  • Tiết kiệm.
  • Sử dụng hiệu quả cho các ao nuôi có diện tích < 2.500m2, ao có hố xi phông, ao lót bạt hoặc ao đất có đổ bê tông cho hố.

Cách lắp đặt như sau (ví dụ lắp đặt cho ao có diện tích từ 2.000 – 2.500m2):

  • Thiết kế hố xi phông dạng chóp nón
    • Khoảng cách từ miệng hố đến đáy: 50cm
    • Đường kính: 2m
  • Chính giữa hố xi phông ghép nối với một ống nhựa PVC Ø75 (Phi 75 có nghĩa là đường kính của ống nhựa là 75mm) được bịt lưới ở đầu ống, làm vậy để hút được chất thải dưới đáy ao nhưng không hút luôn tôm vào.
  • Chôn đường ống xuống dưới đất, cuối ống lắp một van xả thải.
xi phong day ao 53
Đường ống được chôn xuống đất.

Nguyên lý hoạt động của phương pháp xi phông này rất đơn giản: bể thải được đặt thấp hơn ao, chỉ cần mở van, áp lực nước sẽ đưa chất thải từ ao nuôi chảy vào bể thải mà không cần có sự can thiệp của động cơ bơm ly tâm.

Sau khi thả tôm, chất thải sẽ tích tụ ở hố xi phông, bà con dựa theo mật độ thả tôm để tiến hành xi phông đáy phù hợp. Thông thường nên rút 2 – 3 lần trong khoảng 1 – 2 phút, sau đó cấp lại lượng nước bằng với phần nước đã bị hao hụt.

Lưu ý, cuối mỗi vụ nuôi bà con nhớ hút sạch bùn trong đường ống, không để bùn đọng gây tắc nghẽn đường ống, ảnh hưởng đến những lần xi phông đáy sau.

Trên thực tế, không thể khẳng định cách xi phông đáy ao nào là tốt nhất. Phương pháp hiệu quả nhất phải là phương pháp phù hợp, tương ứng với tính chất của ao nuôi. Vì vậy, bà con dựa vào mô hình ao nuôi của mình để áp dụng 1 trong 3 cách xi phông đáy ao mà Biogency đã liệt kê trên đây.

Tiến hành xi phông đều đặn 2 – 3 lần/ngày bà con sẽ thấy nguồn nước sạch hơn, tôm phát triển ổn định, khỏe mạnh, giảm đáng kể gánh nặng nuôi trồng.

Mong rằng bài viết trên đã giúp bà con hiểu rõ hơn vai trò của việc xi phông đáy ao đối với nuôi tôm. Mặc dù đòi hỏi khá nhiều thời gian lẫn chi phí ban đầu cho hệ thống, xi phông đáy là một công việc có giá trị lâu dài, góp phần đáng kể quyết định năng suất mùa vụ. Bà con cần được tư vấn chi tiết hơn, đừng ngại liên hệ với các chuyên gia của Biogency qua Hotline 0909 538 514.



source https://microbelift.vn/xi-phong-day-ao/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cơ sở hình thành và cách tính tỷ số F/M

Quy trình xử lý nước cấp đạt chuẩn hiện nay

Bể lắng sinh học là gì? Vai trò, cách tăng hiệu suất xử lý của bể