4 lý do khiến tôm bỏ ăn, ăn yếu & Cách khắc phục
Tôm khỏe mạnh thường có sức ăn tốt. Ngược lại, khi tôm bỏ ăn hay ăn yếu là dấu hiệu cho thấy tôm đang gặp các vấn đề về sức khỏe. Nguyên nhân cụ thể của vấn đề này là gì? Và làm thế nào để khắc phục tình trạng tôm bỏ ăn để nuôi tôm về size lớn và nâng cao chất lượng tôm thương phẩm? Mời bà con cùng Biogency tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
4 lý do khiến tôm bỏ ăn, ăn yếu
1. Tôm bỏ ăn do các yếu tố môi trường tác động:
Tôm được biết đến là loài động vật có tính nhạy cảm với môi trường cao, do đó bất kỳ yếu tố môi trường nào thay đổi gây bất lợi cho tôm đều làm quá trình hấp thu và tiêu hóa của tôm bị gián đoạn, gây nên tình trạng bỏ ăn. Một số yếu tố môi trường có thể là nguyên nhân khiến tôm bỏ ăn là: Nhiệt độ thay đổi đột ngột, nồng độ oxy hòa tan xuống mức thấp, ao xuất hiện khí độc…
Đối với yếu tố nhiệt độ, tôm là loài động vật biến nhiệt, do đó bất kỳ sự thay đổi về nhiệt độ nào cũng rất dễ ảnh hưởng đến sức ăn và tốc độ tăng trưởng của tôm. Tôm thẻ chân trắng ăn và tiêu hóa tốt nhất ở khoảng nhiệt độ từ 25°C – 30°C (tôm sú thì khoảng nhiệt từ 28°C – 30°C). Khi nhiệt độ xuống dưới 25°C, sức ăn của tôm giảm khoảng từ 30 – 40%. Khi nhiệt độ xuống dưới 20°C, tôm gần như là không ăn và dễ dẫn đến rớt đáy.
Tham khảo: Cách quản lý nhiệt độ ao tôm
Yếu tố nhiệt độ khiến tôm bỏ ăn thường xảy ra khi bà con nuôi tôm vụ đông (ở miền Trung, miền Bắc) hoặc sau trận mưa lớn kéo dài làm nhiệt độ nước ao giảm đột ngột.
Đối với yếu tố nồng độ oxy hòa tan, tôm hô hấp tốt và sức ăn mạnh khi DO >= 5mg/l và ăn yếu, thậm chí bỏ ăn khi DO < 2mg/l. DO bị xuống thấp thường do một trong các nguyên nhân sau:
- Dàn quạt, sục oxy không hoạt động đều.
- Trời âm u hoặc mưa khiến tảo không quang hợp được, dẫn đến không sản sinh ra nhiều oxy hòa tan trong ao.
- Ao có nhiều chất lơ lửng, dính vào mang tôm làm cản trở quá trình hô hấp của tôm.
Tham khảo: Quản lý oxy hòa tan trong ao tôm
Đối với yếu tố khí độc, cụ thể là H2S, NH3 và NO2 – chúng thường sinh ra khi trong ao bị tích tụ nhiều chất thải và không được xử lý (ví dụ như: thức ăn dư thừa, phân tôm, vỏ tôm sau lột xác,…). Khí độc là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với bà con nuôi tôm. Khí độc càng tăng cao, tôm bỏ ăn ngày càng nhiều và rớt đáy nhanh chóng chỉ sau vài ngày:
- Khí độc H2S: Khi đứng ở cuối ao (theo hướng gió) sẽ nhận thấy mùi trứng thối. H2S gây nên hiện tượng tôm bỏ ăn vào buổi sáng. Do vào buổi sáng pH trong ao thường thấp làm tăng độc tính của H2S, nếu nồng độ H2S lên quá cao dễ khiến cho mang tôm bị tím tái và rớt đáy. (Cách xử lý khí độc h2s trong ao tôm)
- Khí độc NH3, NO2: NH3, NO2 thường làm tôm bỏ ăn, ăn yếu vào buổi chiều. Trái ngược với H2S, nồng độ NO2 thường tăng cao khi pH tăng cao (buổi chiều pH trong ao cao hơn buổi sáng), gây ngộ độc cho tôm, làm tôm mất khả năng bài tiết chất độc, từ đó làm mất cân bằng áp suất thẩm thấu trong cơ thể khiến tôm bỏ ăn và rớt đáy. (Cách xử lý khí độc no2 trog ao tôm)
2. Tôm bỏ ăn do chất lượng thức ăn kém:
Bên cạnh môi trường nuôi, chất lượng thức ăn có tác động trực tiếp đến sức ăn và khả năng tăng trưởng của tôm. Nếu vô tình bà con chọn thức ăn bị kém chất lượng hoặc quá trình bảo quản thức ăn bị ẩm mốc, thức ăn bị hết hạn sử dụng khi cho tôm ăn sẽ không hấp dẫn với tôm khiên tôm ăn yếu, thậm chí là bỏ ăn.
Tôm bỏ ăn kéo theo tính kích thích bắt mồi của tôm cũng giảm và khiến tôm dễ mắc bệnh, chậm lớn và khó nuôi về size lớn.
Tham khảo: Kinh nghiệm nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho tôm
3. Tôm bỏ ăn do nhiễm bệnh:
Yếu tố dịch bệnh có tác động trực tiếp đến các cơ quan và bộ phận trên cơ thể tôm, đặc biệt là bệnh đường ruột và bệnh gan sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức ăn của chúng:
- Bệnh đường ruột, phân trắng: Tôm bị đường ruột lỏng lẻo – phân lỏng (xuất hiện mủ ở đuôi hoặc khi bóp vào phần đuôi thấy đường ruột di chuyển – chạy lên chạy xuống), hoặc bệnh phân trắng (khi quan sát phần tiếp giáp giữa mình và đầu ngực tôm thấy đường ruột chuyển sang màu vàng hoặc trắng đục – dấu hiệu của bệnh phân trắng) sẽ khiến khả năng tiêu hóa thức ăn của tôm giảm và sức ăn cũng giảm mạnh, dần dẫn đến bỏ ăn.
- Bệnh gan: Gan tôm có màu nhợt nhạt, sắc tố của tôm bị sậm lại, nhìn tôm bị tối. Gan tôm bị nhiễm bệnh ảnh hưởng đến sức tiêu hóa của tôm và kéo theo đó là tôm bỏ ăn, giảm ăn. (Tham khảo: Các loại thảo dược trị bệnh gan cho tôm)
Ngoài ra, một số bệnh khác do virus và vi khuẩn gây ra cũng làm giảm sức ăn của tôm và khiến tôm bỏ ăn như: Bệnh do virus HPV, MBV ký sinh trên gan tụy, bệnh teo gan, bệnh đóng rong… cũng khiến cho sức ăn của tôm giảm nhanh chóng và bỏ ăn sau thời gian ngắn nhiễm bệnh.
4. Tôm bỏ ăn do quá trình cho ăn không khoa học
Quá trình cho ăn đối với mỗi giai đoạn phát triển của tôm rất quan trọng. Nếu bà con cho ăn không đúng, cho ăn chỗ ít chỗ nhiều không những làm tôm phát triển không đều, còi cọc mà còn làm tăng nhanh chóng lượng chất thải dư thừa trong ao (nguồn phát sinh của khí độc, lợn cợn) – nguyên nhân khiến tôm bỏ ăn, chậm lớn và bị nhiễm bệnh.
Tham khảo: Cách cho tôm ăn hiệu quả
Cách khắc phục tôm bỏ ăn như thế nào?
Hiểu và xác định được nguyên nhân khiến tôm bỏ ăn sẽ giúp bà con khắc phục và có biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu vụ để nuôi tôm khỏe, phát triển đều và về size lớn tốt hơn. Cụ thể bà con có thể tham khảo các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tôm bỏ ăn dưới đây:
1. Quản lý tốt các yếu tố môi trường ao nuôi:
Khi thấy trời âm u hoặc có mưa, bà con cần giảm lượng thức ăn cho tôm khoảng 30%, tăng cường chạy quạt, sục khí để oxy phân bố đều vào các tầng nước trong ao để chống stress cho tôm và giảm thiểu tối đa tình trạng tôm bỏ ăn.
Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, đặt biệt là khi nuôi tôm vào mùa đông, bà con nên giảm lượng thức ăn và kéo dài các cữ ăn trong ngày của tôm để tránh thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước nuôi.
Một điểm quan trọng mà bà con cần lưu ý là kiểm soát độ đục và lơ lửng trong ao tôm. Bà con có thể tham khảo Men vi sinh làm sạch nước ao Microbe-Lift AQUA C với công dụng gây màu nước đẹp, kiểm soát lơ lửng, thức ăn thừa, tạo môi trường ổn định giúp tôm tăng sức đề kháng, phát triển nhanh. Thêm vào đó, bà con có thể kết hợp với men vi sinh xử lý khí độc Microbe-Lift AQUA N1 ngay từ đầu vụ để ngăn ngừa khí độc xuất hiện trong ao làm tôm bỏ ăn.
Ngoài ra, bà con nên kiểm tra các yếu tố của môi trường như pH, độ kiềm, độ mặn, độ cứng, độ trong… của nước ao nuôi để kịp thời phát hiện những bất thường và xử lý phù hợp.
2. Kiểm soát chất lượng và quy trình cho ăn chặt chẽ theo từng giai đoạn phát triển của tôm:
Khi cho tôm ăn, bà con nên canh nhá để theo dõi sức ăn của tôm, từ đó có biện pháp điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời.
Chất lượng thức ăn phải đảm bảo các yếu tố:
- Thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, không bị ẩm mốc.
- Hình dạng, kích thước, màu sắc thức ăn đồng đều, mùi hấp dẫn, lâu tan trong nước.
Quá trình cho tôm ăn và thức ăn cần chặt chẽ theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Ví dụ đối với tôm CP 100.000 con, bà con có thể áp dụng cách cho ăn như sau:
- Trong tháng đầu tiên thả giống: Cho ăn 4 – 5 cữ ăn/ngày. Mỗi lần cho ăn chỉ khoảng 2,7kg và tăng dần lượng thực ăn theo ngày nếu tình trạng tôm tốt, ăn khỏe. Giai đoạn này khi cho ăn bà con cũng nên lưu ý lựa chọn thức ăn có kích thước nhỏ vì tôm mới thả kích thước đường ruột nhỏ, nếu cho ăn thức ăn có kích thước quá lớn sẽ khiến tôm khó tiêu hóa và hấp thu.
- Trong những tháng tiếp theo: Số cữ ăn của tôm có thể giảm xuống còn 3 – 4 cữ ăn/ngày. Giai đoạn này có thể cho tôm ăn những loại thức ăn có kích thước lớn hơn giai đoạn đầu. Đặc biệt, bà con nên lưu ý không cho tôm ăn vào ban đêm nếu hệ thống oxy trong ao nuôi không đáp ứng đủ vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của tôm, tôm bỏ ăn, lột xác không đồng đều, khó cứng vỏ sau lột…
Tham khảo: Chi tiết cách tính lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng
Bà con nên bổ sung thêm men vi sinh đường ruột vào trong khẩu phần ăn của tôm để giúp tôm tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, từ đó sẽ làm giảm tỷ lệ FCR và giảm thức ăn thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, giúp loại bỏ nguy cơ tôm bỏ ăn. Men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM là một trong những dòng men hiệu quả cho đường ruột tôm mà bà con có thể tham khảo.
3. Theo dõi tôm và nhanh chóng phát hiện tôm nhiễm bệnh để kịp thời xử lý:
Bên cạnh sử dụng nhá để kiểm soát lượng thức ăn, bà con cũng nên quan sát tôm trong nhá và quan sát trên toàn diện ao nuôi để theo dõi tình trạng phát triển của tôm, kịp thời phát hiện tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh và điều trị kịp thời. Thông thường, khi tôm có triệu chứng nhiễm bệnh thường có dấu hiệu tấp mé, nổi nhiều về phía mặt nước, bơi yếu hoặc bệnh nặng có thể biểu hiện bằng những dấu hiệu trên cơ thể như:
- Tôm nhiễm bệnh về gan tụy: Quan sát gan tụy có màu nhợt nhạt, ruột rỗng hoặc đứt đoạn.
- Tôm nhiễm bệnh đốm trắng: Xuất hiện các đốm trắng trên cơ thể tôm.
- Tôm nhiễm bệnh Taura: Thân tôm có màu đỏ nhạt, vỏ mềm, ruột rỗng.
- Tôm nhiễm bệnh phân trắng: Sợi phân tôm có màu vàng nhạt, gan tụy teo, vỏ mềm.
- ..v..v..
Tham khảo: Các bệnh phổ biến ở tôm
Tôm bỏ ăn bất ngờ nếu không được phát hiện kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ tổn thất cuối vụ. Do đó, trong suốt quá trình nuôi tôm, bà con cần liên tục theo dõi, bổ sung men vi sinh và thức ăn phù hợp để tôm tăng sức đề kháng, từ đó ăn nhiều và chóng lớn. Mọi thắc mắc về các vấn đề trong quá trình nuôi tôm, bà con hãy liên hệ ngay Biogency qua HOTLINE 0909 538 514 để được giải đáp nhanh nhất! Chúc bà con nuôi tôm về size lớn thành công!
source https://microbelift.vn/tom-bo-an-an-yeu/
Nhận xét
Đăng nhận xét