Thông tin cần biết khi thu hoạch tôm thẻ chân trắng
Sau một thời gian dài nuôi tôm, bà con luôn trông ngóng đến thời gian thu hoạch để thu hồi vốn và kiếm lợi nhuận. Để quá trình thu hoạch tôm thẻ chân trắng diễn ra thuận lợi, bà con cần nắm một số thông tin sau:
Thời gian lý tưởng để thu hoạch tôm thẻ chân trắng
Do tác động của thời tiết, mùa vụ tôm thẻ chân trắng ở miền Bắc tương đối khác so với miền Nam. Thông thường, ở miền Bắc thời gian nuôi 1 vụ kéo dài từ 4 – 6 tháng, trong khi ở miền Nam chỉ kéo dài khoảng 3 – 4 tháng. Tuy nhiên, về thời gian lý tưởng trong ngày để thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở 2 vùng cũng có những sự tương đồng nhất định.
Thời gian lý tưởng trong ngày để thu hoạch tôm thẻ chân trắng là từ 4 – 8 giờ sáng. Sở dĩ nên thu hoạch tôm vào ban đêm hoặc sáng sớm là do lúc này nhiệt độ nước tương đối thấp hơn so với các thời gian khác trong ngày, giúp hạn chế sốc nhiệt cho tôm. Trong trường hợp bà con thu tôm vào ban ngày có nhiều nắng, cần có biện pháp che chắn cho tôm để tránh tôm bị sốc nhiệt do ánh nắng mặt trời.
Đánh giá tôm và chuẩn bị dụng cụ trước khi bước vào thu hoạch
Đây là những bước đầu tiên cần thực hiện trước khi bước vào thu hoạch tôm. Nếu không phải buộc thu tôm trong những trường hợp tôm bị bệnh nặng, thì bà con thường thu tôm khi trọng lượng tôm trung bình từ 40 – 80 con/kg (trọng lượng tôm càng lớn hay số con trên 1kg càng nhỏ thì giá tôm càng cao). Bên cạnh đó, bà con cũng nên cân nhắc về nhu cầu thị trường, giá tôm có tốt không để tiến hành thu hoạch (tránh để nuôi tôm về size lớn mà bỏ qua thời điểm giá tốt, chi phí thức ăn bị tăng mà lợi nhuận giảm).
Trước khi thu hoạch, bà con cũng cần lấy mẫu tôm để kiểm tra kích cỡ, độ cứng của vỏ và màu sắc tôm để đánh giá chất lượng tôm thương phẩm, các kiểm tra tôm bao gồm:
- Tổng số tôm đang lột vỏ < 5%.
- Tổng số tôm bị mềm vỏ < 5%.
- Tỷ lệ tôm bị dị hình, dị tật < 5%.
- Kích cỡ tôm từ 40 – 80 con/kg hoặc nhỏ hơn 40 con/kg.
Sau khi lấy mẫu và kiểm tra chất lượng tôm xong, bà con tiến hành giảm mực nước trong ao để bước vào thu hoạch. Tùy vào độ sâu của từng ao nuôi mà lượng nước giảm phù hợp. Chuẩn bị đủ các dụng cụ cần thiết cho quá trình thu hoạch tôm thẻ chân trắng như: bạt, rổ, xô nhựa, thùng cách nhiệt, lưới, nước sạch, đá sạch,… Tùy theo sản lượng và kích thước của ao nuôi mà bố trí nhân lực thu tôm cho hợp lý.
Lựa chọn phương pháp thu hoạch tôm thẻ chân trắng
Có 2 phương pháp bà con thường áp dụng khi thu tôm thẻ chân trắng, đó là: Thu cạn hoặc thu bằng lưới có xung điện.
- Đối với phương pháp thu cạn: Đây là phương pháp được đánh giá là hiệu quả, ít tốn thời gian, tôm khi thu hoạch cũng ít bị dập vỏ và tôm sạch do đáy ao không bị khuấy động nhiều. Để thực hiện thu tôm theo cách này, bà con cần tháo khoảng 30% lượng nước trong ao; dùng lưới kéo tôm, yêu cầu của lưới là có 1 cạnh lưới có độ dài bằng 1 cạnh của ao. Nguyên tắc khi thu tôm theo cách này là thu tôm trên từng phần diện tích của ao, khi lượng tôm thu được phần lớn số lượng tôm trong ao mới tháo cạn nước và thu hoạch nốt số còn lại.
- Đối với phương pháp thu đánh lưới tôm: Phương pháp này được nhiều bà con nuôi tôm áp dụng hơn. Khi sử dụng phương pháp này, thời gian thu tôm thẻ chân trắng tối ưu nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thu tôm, bà con cũng cần tháo bớt nước để việc thu tôm được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phương pháp thu tôm bằng cách đánh lưới thường phải sử dụng xung điện, do đó sẽ làm khuấy động đáy ao khiến tôm có thể bị lẫn bùn đất.
Hai phương pháp thu hoạch trên thường áp dụng khi bà con muốn thu hết tôm, theo mô hình thâm canh hoặc siêu thâm canh.
Đối với một số mô hình nuôi tôm khác như nuôi tôm quảng canh, bà con có thể áp dụng một số phương pháp thu hoạch tôm khác như dùng đăng chắn, chài, lú… Những phương pháp này thường được áp dụng khi bà con nuôi tôm trên diện tích rộng, muốn thu tỉa trước những con tôm lớn, áp dụng cho khu vực nuôi có đáy không bằng phẳng.
Lựa chọn phương pháp bảo quản tôm thẻ chân trắng sau thu hoạch
Chất lượng tôm có được đảm bảo hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào phương pháp bảo quản tôm sau khi thu hoạch. Thông thường, việc bảo quản tôm thẻ chân trắng như thế nào thường do thương lái thu mua quyết định. Có 2 phương pháp bảo quản chính được sử dụng khi thu hoạch tôm thẻ chân trắng như sau:
- Bảo quản tôm sống: Khi tôm được thu từ dưới ao, còn sống khỏe mạnh sẽ được đưa vào nơi có nguồn nước sạch, với mật độ trung bình khoảng 300-500 con/mét khối, khu vực chứa tôm cần được sục khí thường xuyên để tôm hô hấp. Khi đạt đủ điều kiện bảo quản, thời gian bảo quản có thể đạt từ 5-6 giờ.
- Bảo quản tôm chết: Khi thu hoạch tôm từ dưới ao, được để vào rổ hoặc tấm nhựa. Gây chết tôm bằng nước đá lạnh theo tỷ lệ 2 phần tôm/1 phần nước/1 phần đá. Sau khi bỏ nước và đá vào thùng chứa, tiến hành bỏ tôm và ngâm trong vòng 30 phút để tôm chết đi, sau đó đưa vào các khu vực bảo quản lạnh.
Trên đây Biogency đã cung cấp cho bà con những thông tin cần biết khi thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Chúc bà con nuôi tôm về size lớn thành công và bán được giá tốt. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình nuôi tôm cần giải đáp, bà con hãy liên hệ ngay Biogency theo Hotline 0909 538 514 để được hỗ trợ nhanh nhất!
source https://microbelift.vn/thu-hoach-tom-the-chan-trang/
Nhận xét
Đăng nhận xét